Một Mùa Sương Thức Suốt mùa hè năm mười bảy tuổi, tôi mất ngủ. Chị Mỹ, người đàn bà luôn gọi tôi là chồng, đi đánh bài suốt sáng cùng vài anh trong đoàn hát, sát phạt với dân cờ bạc địa phương. Tôi đi lang thang trong thị trấn, làm bạn với đêm sâu và bọn chó đầy thù nghịch. Những thị trấn luôn đi ngủ sớm, cả khi có đoàn chúng tôi đờn ca níu kéo, thì cũng không quá mười giờ. Hàng quán tắt đèn, thị trấn trầm mình trong thứ ánh sáng tiều tụy của những bóng đèn thắp ở đầu và cuối mỗi con đường, và chùng xuống ở giữa bởi sức nặng của bóng tối. Nửa đỏ nửa vàng, ánh sáng lại hợp vô cùng với những căn nhà lâu rồi không sơn lại, cỏ mọc trên ống cắm nhang bàn thờ thông thiên, hàng rào sắt rỉ sét và mảnh sân đầy xương lá. Lúc mỏi chân, chăm chú nhìn mãi vào dây tóc bóng đèn lúc mờ lúc rạng, rồi bứt mắt ra nhìn chung quanh. Mắt không quen tối nên con đường biến mất, đến nỗi có chút kinh ngạc mình đã đến đây bằng cách nào. Rồi con đường hiện dần ra, với những ổ voi sánh nước mưa, và lớp nhựa tráng mỏng trên mặt đường lượn sóng, mép đường lở hình răng cưa, như rìa bánh phồng bị đứa trẻ bẻ ăn dần. Không có nhiều con đường để đi, trong những thị trấn nhỏ mà đoàn tạp kỹ tới. Bám theo quốc lộ mà thị trấn lấy làm xương sống, vòng sang cây cầu bắc qua một con sông, mà chỉ có thể đi đến nửa cầu, bởi sợ bước thêm bước nữa thì bóng tối bên kia sông nuốt mất mình. Hoàn toàn không có ngọn đèn đường nào bên đó. Loanh quanh chỉ năm ba con đường, những con chó xớn xác nồ theo bước, làm sự yên tĩnh trở nên đục ngầu. Chẳng bất ngờ nếu gặp một toán tuần tra không mấy thân thiện hỏi muốn chi mà rình rập ở đây? Khó mà tìm ra lời giải thích nào cho hợp lẽ thường, bởi lẽ thường của họ đơn giản: khuya phải ngủ, ngủ không được thì nằm im mà đếm sao, cớ gì ra đường dầm sương. Lẽ thường không được nuôi dưỡng trong bóng tối. Có lần tôi bị lôi xểnh về giao cho má Cần, ông bầu một đoàn tạp kỹ vừa nhạc Pháp vừa cải lương lại có khỉ đi dây. Ngái ngủ, má gãi bẹn dụi mắt nói thằng nhỏ bị vợ bỏ, thất tình, mấy anh thông cảm. Rồi ngó tôi có vẻ áy náy vì đã gây phiền, má rụt đầu trở vào tấm mền, bảo không sao đâu. Không lâu thì nghe tiếng ngáy. Thái độ bao dung đó, làm tôi cảm giác gọi người đàn ông cao lớn kia bằng má thì cũng hợp lý như gọi trăng là trăng. Một bữa, Nhu hỏi...
Bình luận truyện